# # # # # # # #

Đăk-Nông, chuyến đi chở nặng nghĩa tình

Đăk-Nông là một tỉnh cao nguyên nghèo mới được tách ra từ tỉnh Đăk-Lăk từ 8 năm nay, dân cư gồm rất nhiều dân tộc anh em sống nhờ vào thu nhập từ việc làm nương, trồng rẫy. Chính vì địa hình xa xôi cách trở mà những người khuyết tật nghèo nơi đây rất khó tiếp cận được với sự trợ giúp từ cộng đồng. Bởi vậy, chuyến công tác trao tặng xe lăn kết hợp khảo sát thực tế điều kiện sống và làm việc của người dân địa phương của đại diện tổ chức Maison Chance-Nhà May Mắn lần này đã mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt…

Sau chuyến đi khảo sát tại các tỉnh Tây Nguyên và đặc biệt tại tỉnh Đắk-Nông vào cuối tháng 4 vừa qua, cô Tim Aline Rebeaud, người sáng lập tổ chức Maison Chance, đã nhận được rất nhiều yêu cầu cần được giúp đỡ. Nhìn thấy nhu cầu khẩn thiết của những người khuyết tật, cô Tim đã lên chương trình tặng xe lăn tại đây. Để những món quà tới được tận tay những người thực sự có nhu cầu, Văn Phòng Dự Án của tổ chức Maison Chance đã cử nhân viên tới tận từng gia đình để khảo sát và ghi nhận thực tế tình trạng khuyết tật của từng đối tượng nhằm cung cấp cho họ phương tiện phù hợp nhất. Toàn tỉnh Đắk-Nông có 8 huyện, đợt công tác lần này, Maison Chance chọn 12 xã gồm 11 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Krông-Nô làm đích đến.

Gập ghềnh con đường cứu trợ

Những cơn mưa dai dẳng kéo dài suốt từ nhiều ngày nay khiến con đường Quốc lộ 14 từ Sài Gòn đến Đắk-Nông vốn đã xuống cấp nghiêm trọng, càng gây thêm khó khăn cho người cầm lái. Cuộc hành trình vẻn vẹn 400 cây số mà đoàn phải mất tới nguyên một ngày cho việc di chuyển. Thỉnh thoảng, tài xế phải xuống xe, lội xuống từng vũng nước rộng để kiểm tra độ sâu rồi mới dám điều khiển xe vượt qua, vậy mà cũng có những lúc xe chạy qua một vũng nước rộng thoạt nhìn tưởng chừng vô hại, nhưng bất ngờ bánh lại sụt hố trâu khiến tất cả các thành viên trong đoàn phải cùng nhau người kéo, người đẩy… cố sức đưa chiếc xe trở lại mặt đường. Có gặp khó khăn mới thấy ấm lòng biết bao khi chứng kiến sự nhiệt tình của người dân địa phương qua đường đã sẵn lòng dừng lại giúp đỡ cho chiếc xe bị sa lầy. Nhưng vất vả nhất là khi xe phải đi qua những con đường đất đỏ trơn trợt sình lầy, không một phương tiện nào có thể vượt qua được, mọi người buộc phải bỏ xe lội bộ. Gian nan vất vả, nhưng nụ cười luôn nở trên môi từng thành viên vì ý nghĩa cao đẹp mà chuyến đi nhắm tới.

Đắk-Nông còn có dòng Sêpêpok nổi tiếng với những thác nước lớn đẹp hùng vĩ đầu nguồn. Thế nhưng điều làm mọi người nhớ tới Sêpêpok nhiều nhất lại là một tai nạn thương tâm trên chiếc cầu Sêpêpok bắc ngang dòng sông này, khi 4 tháng trước một chiếc xe chở khách đã băng qua dải phân cách lật xuống lòng sông mang theo sinh mạng của gần 40 người. Vào tối ngày thứ hai của cuộc hành trình, chiếc xe của đoàn di chuyển qua đây, cô Tim Aline trưởng đoàn quyết định dừng xe để mọi người dành 10 phút tưởng niệm những nạn nhân xấu số. Từ độ cao khoảng 20 mét nhìn xuống dòng nước đỏ ngầu lạnh lùng phía dưới, bỗng dưng mắt ai cũng cay xè…

Để thuận tiện hơn cho những người khuyết tật, đoàn đã quyết định sẽ tới tận từng gia đình để gặp gỡ, thăm hỏi cùng những phần quà cứu trợ bao gồm mỳ gói, gạo, cá khô và những chiếc xe lăn… Hai Nhân viên Xã hội đã được đào tạo bài bản về xe lăn của Maison Chance sẽ hướng dẫn cho từng người cách sử dụng, và những thao tác vật lý trị liệu cơ bản theo thể trạng từng người. Thời gian chỉ có vẻn vẹn 5 ngày công tác, nhưng đoàn đã đặt ra mục tiêu khá nhiều “tham vọng” khi số lượng xe lăn được trao đợt này sẽ là 40 chiếc, 3 cặp nạng trên vùng địa bàn rộng lớn có mật độ dân cư thưa thớt thuộc huyện Krông-Nô. Ngoài ra, cô Tim Aline cũng muốn nhân cơ hội này khảo sát thực tế điều kiện sống và làm việc của người dân vùng sâu vùng xa để lên ý tưởng tái thành lập một “Mô hình Nhà May Mắn” tại vùng nông thôn nghèo nơi có một tỷ lệ lớn người khuyết tật và trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đường xá khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ thực hiện kế hoạch, nhưng không vì thế mà làm nản quyết tâm của mọi người. Tới ngày thứ ba, Đoàn phải thuê một chiếc công nông đầu dọc có hỗ trợ tời kéo, để một mình đem theo 5 chiếc xe lăn vượt quãng đường sình ngang đầu gối tới 7 cây số từ ngoài Tỉnh lộ 4 vào Bon Choah do không một phương tiện nào có thể đi trên con đường này được. Càng khó khăn, mọi người càng cảm thấy hạnh phúc khi cuối cùng, sự hỗ trợ của mình đã tới được với những phận đời bất hạnh…

Nụ cười và nước mắt

Đắk-Nông có phần lớn diện tích núi rừng, trong thời gian chiến tranh đã gánh chịu một lượng lớn Dioxin rải xuống. Gần 40 năm đã qua đi, nhưng di chứng của chiến tranh vẫn còn hằn những vết thương thật sâu trên những cơ thể không thể phát triển bình thường, cộng thêm nhiều lý do xuất phát từ phong tục tập quán, từ nhận thức của người dân và sự lạc hậu của hệ thống y tế đã dẫn tới những hệ lụy rất lớn cho cộng đồng dân cư nơi này. Địa thế xa xôi cũng là một trở ngại cho những tổ chức từ thiện tìm tới, nên người khuyết tật nghèo tại Đắk-Nông đã bất hạnh, lại nặng nỗi thiệt thòi. Bởi vậy, có lẽ phải rất lâu sau, những thành viên tham gia chuyến công tác này vẫn khó mà quên được ấn tượng đọng lại sau mỗi lần tiếp xúc với người khuyết tật nghèo được nhận quà của chương trình này…

Khi tới thăm nhà cụ Y Sung ở địa chỉ 176 Bonphepri, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông tất cả các thành viên đã thật sự xúc động khi chứng kiến hoàn cảnh bi đát của hai ông bà già, trong đó một người bị tai biến rất khó khăn trong di chuyển mà phải cưu mang 3 đứa cháu ngoại mồ côi còn nhỏ xíu. Cô Tim Aline đã cố gắng thuyết phục gia đình nghĩ tới tương lai của các cháu mà gửi các cháu cho Maison Chance bảo trợ và giúp các cháu có điều kiện ăn học tốt hơn.. Thế nhưng, tập tục của những người M`Nông lại rất khắt khe trong việc đưa những đứa trẻ ra khỏi cộng đồng của họ, bởi vậy đoàn phải ra về sau khi để lại tất cả thông tin cần thiết cho gia đình.

Kể từ ngày cơ thể mỗi lúc mỗi yếu đi rồi dẫn tới liệt toàn thân từ 6 năm nay, anh Phạm Văn Anh sinh năm 1968 (66 thôn Nam Tiến, xã Nâm Nung ) chỉ còn biết tới thế giới xung quanh qua ô cửa nhỏ. Nhờ chiếc xe lăn nhận được từ dự án này, gia đình đã có thể đưa anh ra ngoài hít thở không khí và di chuyển tới những nơi anh muốn một cách dễ dàng hơn. Không thể làm thay đổi số phận của anh, nhưng mọi người cũng quên hết mệt mỏi của chuyến đi dài khi nhìn thấy nụ cười hạnh phúc trên gương mặt đầy khắc khổ của người đàn ông này.Thật ấm lòng khi nhìn cả gia đình bé Phạm Văn Cư mừng vui khôn xiết khi được nhận chiếc xe lăn được thiết kế riêng cho trẻ bại não. Bé Cư, con trai của anh chị bị bại não đã 12 năm nay, ba mẹ luôn phải thay phiên nhau bồng con trong lòng do mỗi khi đặt xuống cháu lại co quắp rất tội nghiệp. Chiếc xe lăn đã phần nào “giải phóng” cho anh chị, và bé cũng cảm thấy rất thích thú khi được đặt vào xe. Dường như cũng cảm thấy được niềm vui của mọi người xung quanh, bé ráng phát âm từng chữ “cảm ơn” trước sự tán thưởng của tất cả mọi người.

Chập choạng tối ngày công tác thứ ba, đoàn phải bỏ xe dưới chân núi để leo qua con đường dốc trơn trợt với những ổ voi như giăng bẫy để tới bản thôn Nam Giao, xã Nâm N’Đir . Đây là một bản làng của người Thái mới di cư tới từ hơn chục năm nay, nên cuộc sống của cư dân còn khá hoang sơ với vài chục mái nhà quây quần, tách biệt hẳn với bên ngoài. Hỏi thăm một hồi, mọi người được đưa tới một căn nhà gỗ nhỏ nằm ở giữa bản. Có người lạ tìm tới, chỉ trong vòng 5 phút sau, căn nhà vẻn vẹn 12 mét vuông đã chật cứng bởi khoảng 30 người dân trong bản tò mò tìm tới. Đây là nhà của Bàn Văn Chung, một bệnh nhân bại não bẩm sinh. Chung hiện sống cùng với mẹ già đã 70 tuổi, gia đình được xếp loại không thể nghèo hơn nên từ hơn hai chục năm nay, thế giới của anh chỉ gói gọn trong 4 bức tường do không thể di chuyển, mặc dù Chung vẫn biết nhận thức thế giới chung quanh. Có thể nói rằng, chiếc xe lăn đã đem tới cho anh cả một thế giới khác, thế giới mà từ khi chào đời anh đã không có cơ hội được thưởng thức trọn vẹn.

Thế nhưng điều kỳ diệu nhất của cuộc hành trình lại xảy đến vào ngày cuối cùng, trước khi đoàn lên xe về lại thành phố. Từ ngày hôm trước, một cụ già trong danh sách nhận xe lăn do hồi phục tốt nên đã nhường tiêu chuẩn của mình cho một người có nhu cầu cấp thiết hơn, vì vậy đoàn công tác đã cố gắng tìm qua các nguồn để tìm kiếm một trường hợp thay thế phù hợp. Nhờ cơ duyên đó, mà chuyến xe của Maison Chance đã tìm tới được ấp Tân Lập, xã Nâm Nung , một bản làng Thái khác nằm sâu trong núi rừng Nam Nung. Trong căn nhà gỗ tuềnh toàng, người thanh niên trẻ nằm chơ vơ trên manh chiếu cũ kỹ với tứ chi, khoang miệng và lưỡi bị cứng ngắc không thể kiểm soát, người thanh niên đó tên là Lương Văn Sự, sinh năm 1990. Sự mới lấy vợ năm ngoái, vợ Sự mới hạ sinh một bé trai kháu khỉnh mới được hơn tháng tuổi, nhưng Sự lại không được hưởng hạnh phúc của một người cha bình thường khi một cơn bạo bệnh tấn công anh Cách nay ba tháng. Mọi người trong gia đình cho biết, ban đầu Sự bị sốt, rồi sau đó tê mỏi và liệt toàn thân, hai tháng gần đây thì Sự không thể nói được nữa và cũng không hề chợp mắt được chút nào. Gia đình đã đưa Sự tới bệnh viện một lần, nhưng bác sỹ không tìm ra được bệnh, ở bệnh viện được hai bữa thì hết tiền nên buộc lòng mọi người phải cho Sự về nhà. Từ đó, việc chạy chữa của Sự chỉ trông chờ vào phép lạ của thầy cúng, thế nhưng gia đình đã vay nợ khắp nơi để đáp ứng nhu cầu của thầy cúng mà bệnh tình của Sự vẫn ngày một nặng thêm. Thời gian này, gia đình đang không biết tìm đâu số tiền đủ để mua 1 con dê, 4 con heo, 12 con gà và nhiều lễ vật khác để thầy cúng bắt con ma ra khỏi cơ thể Sự…

Nhìn thấy tình cảnh Sự, ngay lập tức cô Tim Aline quyết định sẽ tài trợ toàn bộ chi phí để đưa Sự theo xe về Sài Gòn điều trị. Thật bất ngờ, sau hai tháng không thể nói chuyện, Sự đã nói được hai lần “Đi rồi…” khi Tim hỏi: “Con đã tới Sài Gòn bao giờ chưa?”. Suốt chuyến hành trình kéo dài 12 tiếng đồng hồ về tới Sài Gòn, Sự đã ngủ mê mệt sau hai tháng ròng không hề chợp mắt, người mẹ đi theo con cũng khóc suốt hành trình vì không thể ngờ một cơ hội may mắn như thế đã đến với con mình. Cuộc sống vẫn còn đó những điều kỳ diệu, lại thêm những lý do để đừng bao giờ mất đi hy vọng.

Còn đó những nỗi lòng

Nếu như việc trao tặng xe lăn chỉ có thể giúp nâng cao chất lượng sống của những người khuyết tật nghèo vùng cao, thì mục tiêu lớn hơn của Tim Aline lại nhắm tới những dự án mang tính cộng đồng bền vững hơn. Trong buổi chiều tối ngày làm việc thứ hai, nhờ sự trợ giúp của một số thanh niên người địa phương, các thành viên đã vượt quãng đường núi toàn bùn đất trơn trợt để tới Bon Choih, một buôn làng biệt lập với cư dân chủ yếu là người Ê-đê và M`nông thuộc xã Đức Xuyên. Bon Choih có vài chục nóc nhà nằm rải rác với 360 nhân khẩu, người dân đã thiếu ăn vào những kỳ giáp hạn lại thiếu luôn cả cái chữ khi ngôi trường tiểu học chỉ có 2 gian cho 5 lớp học chung đã xuống cấp trầm trọng. Việc có đủ nước sạch để dùng cũng là một bài toán đang cần tìm lời giải… Thế nhưng do thời gian quá eo hẹp, cô Tim đành hẹn lại chuyến sau sẽ dành thời gian khảo sát chi tiết hơn.

Chuyến đi đã đem lại những thành công nhất định, nhưng vẫn còn nhiều lắm những trăn trở từ nhu cầu thực tế của cộng đồng dân cư vùng rừng núi Đắk-Nông. Tất cả còn chờ vào sự quan tâm và tiếp sức của toàn xã hội,và cả cộng đồng.

Hương Vũ- Tình nguyên viên