# # # # # # # #

Bài viết về chuyến đi tây nguyên

CHUYẾN ĐI KHẢO SÁT LẦN THỨ 4 NHẰM TÌM ĐỊA ĐIỂM THÀNH LẬP NHÀ MAY MẮN MỚI Ở NÔNG THÔN

Từ ngày 04-08 tháng Hai của năm mới 2012 vừa qua, Văn Phòng Dự Án Nhà May Mắn đã tổ chức một chuyến đi khảo sát khác về các tỉnh như : Bình Dương, Phước Long, Đắk Nông, Đắk Lăk với mục đích tìm hiểu khu vực, tham quan các cơ sở xã hội tại các khu vực trên hiểu thêm về mô hình hoạt động của các cơ sở và đời sống của những người kém may mắn nơi đây.

Chuyến đi lần này ngoài Tim, Người sáng lập tổ chức Maison Chance, có McFreddy, Nhiếp ảnh gia, Cường, Trợ Lý, còn có sự hiện diện đặc biệt của cô Clara Ribeiro là Chủ Tịch Liên Hội Maison Chance Quốc Tế.

Chúng tôi bắt đầu chuyến đi từ Sài Gòn vào lúc 13h ngày 04 và dự định sẽ đến Phước Long nghỉ đêm vì chưa nắm rõ hiện trạng đường đi nhưng may mắn là đường đi khá tốt nên chúng tôi thay đổi kế hoạch và di chuyển thẳng đến thị trấn Gia Nghĩa, Đắk Nông. Chúng tôi gặp một chút khó khăn vì có một quãng đường dài khá xấu, không thể đi nhanh nhưng vẫn vui vì được nhìn thấy một số quang cảnh rừng núi và hồ nước thiên nhiên hoang sơ rất đẹp mà chúng tôi đã không nghĩ sẽ nhìn thấy trước khi lên đường.

Chúng tôi đặt chân đến Gia Nghĩa vào lúc 20h, nằm ở độ cao 500m, không khí ở Gia Nghĩa lúc này mát mẻ, khá dễ chịu.Thị trấn Gia Nghĩa là một thị trấn mới được thành lập khoảng 6 năm và trở thành trung tâm của tỉnh Đăk Nông, một tỉnh mới được thành lập năm 2004 sau khi được tách ra từ tỉnh Đăk Lăk.

Chúng tôi chọn một khách sạn gần với trung tâm thị trấn và tìm chỗ ăn uống nhanh để Tim và Clara kịp cho cuộc họp với Liên hội qua internet. Khép lại ngày đầu tiên của chuyến đi, mọi người cũng hơi mệt vì phải ngồi xe khá lâu.
Không khí buổi sáng tại Gia Nghĩa cũng khá ấm áp, chúng tôi ghé vào quán café bên đường để thưởng thức café Tây Nguyên, quả thật café tại vùng này rất ngon.

Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng cây nông nghiệp như : café, cao su, mì, điều và hồ tiêu cũng như nuôi bò, dê…

Chúng tôi tiếp tục lên xe để di chuyển đến thành phố Buôn Ma Thuột, đường đi từ Gia Nghĩa đến Buôn Ma Thuột tốt hơn giúp cho chuyến đi thuận lợi hơn. Trên đường đi, chúng tôi có đến Trung tâm bảo trợ tình Đăk Nông, tuy nhiên Trung tâm chỉ có văn phòng đại diện chứ không có cơ sở để nuôi dưỡng những người có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả trẻ mồ côi, người khuyết tật, người già neo đơn, tâm thần trong tỉnh Đăk Nông đều được gửi đến Buôn Ma Thuột. Tỉnh Đăk Nông có diện tích 6.514,5 km², dân số 489.442 người, 01 thị xã và 06 huyện nhưng vẫn chưa có cơ sở xã hội để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong tỉnh.

Trên đường đi Buôn Ma Thuột, chúng tôi đi ngang qua thị trấn Đăk Mil, cách thị trấn Gia Nghĩa 60km, địa hình Đăk Mil có độ cao trung bình 500m so với mặt nước biển, vùng phía bắc huyện từ 400-600m và phia nam huyện từ 700-900m.

Đăk Mil có hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường trạm y tế được quan tâm đầu tư. Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận quần chúng nhân dân được cải thiện. Tuy chúng tôi không dừng lại Đăk Mil nhưng theo những gì chúng tôi biết và được nhìn thấy, Đăk Mil đang phát triển khá tốt. Tiếp tục chuyến đi, chúng tôi dần nhìn thấy thành phố Buôn Ma Thuột hiện ra trước mắt.

Buôn Ma Thuột đã được hình thành qua hơn 100 năm lịch sử, có diện tích khoảng 377,18 km², có độ cao 500m, dân số toàn thành phố là 340.000 với 31 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó 85,04% người kinh, 14,96% đồng bào dân tộc thiểu số, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 10,91% chủ yếu là đồng bào dân tộc Êđê.

Điểm đầu tiên mà chúng tôi muốn ghé thăm là chi nhánh của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk nằm trong trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Tại cơ sở có khoảng 50 em mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn, nhân viên chăm sóc các em gồm 8 người. Cơ sở vật chất ở đây khá tốt vì nằm ở trung tâm thành phố và đối diện trường tiểu học. Sau khi được tham quan trò chuyện với các cô nhân viên cũng như các em nhỏ ở đây, chúng tôi được giới thiệu đến cơ sở chính của Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh Đăk Lăk, cơ sở mà theo chúng  tôi được biết là có diện tích lớn hơn và qui mô hơn nhiều so với chi nhánh tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột.

Thời gian còn lại trong ngày, chúng tôi đã đến huyện Buôn Đôn cách Buôn Ma Thuột 20km, nơi có khu bảo tồn sinh thái Bản Đôn với nhiều voi.

Nói thêm về voi, hằng ngày, voi dành khoảng 16 tiếng đồng hồ để tìm kiếm thức ăn và chỉ ngủ khoảng từ 3 đến 5 tiếng. Voi trưởng thành ngủ đứng. Voi con đôi khi ngủ nằm. Voi tuy to lớn, nhưng điều đó không ngăn cản chúng trở thành những tay bơi giỏi. Chúng rất thích bơi và thậm chí có thể bơi ở biển.

Thời gian ưa thích trong ngày của các chú voi là khi tắm bùn. Bùn bảo vệ voi khỏi bị ánh nắng thiêu đốt và giữ cho voi được mát mẻ, tránh được những con bọ khó chịu.

Voi dùng vòi để quặp thức ăn và đưa vào miệng. Thức ăn chủ yếu của chúng là cỏ và các loại cây khác trên mặt đất. Voi dùng vòi để kéo lá cây, thân cây và cành cây từ trên cao xuống. Khi thức ăn khan hiếm, voi dùng ngà để húc đổ cây.

Voi đã thuần hóa là con vật nuôi có ích và rất thân thiện với con người. Từ hàng nghìn năm nay, những chú voi đã được thuần hóa để làm những công việc như kéo gỗ, kéo cày, kéo cây và để biểu diễn trong các lễ hội. Voi là động vật thông minh nên có thể học và ghi nhớ rất nhanh các kỹ năng đơn giản. Người dân vùng Đông Á thường dùng voi để kéo các cây gỗ lớn mà xe ủi hoặc xe kéo không làm được. Và hiện nay, Tim có ý định muốn chăm sóc, nuôi dưỡng voi để sử dụng voi vào việc trị liệu cho bệnh nhân khuyết tật và sẽ áp dụng vào dự án Nhà May Mắn ở nông thôn.

Bản Đôn là quê hương của những người săn bắt và thuần dưỡng voi rừng Việt Nam. Tiếng tăm của họ đã một thời được truyền tụng khắp một vùng rộng lớn phía Nam Châu Á. Nhưng hiện nay ở Việt Nam duy nhất chỉ có ở đây voi vẫn là phương tiện sinh sống và là con vật nuôi hiền lành của người dân tộc và cũng nơi đây mới có ngày hội truyền thống đua voi hàng năm.

Bản Đôn được xem là vương quốc loài voi ở tỉnh Đắk Lắk và là nơi có đàn voi rừng, voi nhà nhiều nhất Việt Nam với số lượng khoảng 80 – 110 con voi rừng và 61 con voi nhà. Đàn voi rừng và voi nhà đang ngày càng giảm sút số lượng và đứng trước nguy cơ chỉ còn trong huyền thoại.

Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở Bản Đôn, kèm theo việc nuôi voi nhà là cả một hệ thống tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa có liên quan đến con voi, hình thành nên một “dòng” văn hóa về voi. Nhưng tình trạng phá rừng ở đây xảy ra liên tục đang làm diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, sự xâm chiếm của từng đoàn người di cư, sự hiện diện của máy móc trong rừng gây ra tiếng ồn cũng làm đàn voi vốn già yếu càng mệt mỏi hơn.

Ngày hôm sau, chúng tôi đi sâu vào khu vực huyện Buôn Đôn để tìm khu du lịch Bản Đôn, đường vào khu du lịch khá đẹp với những cánh đồng xanh mượt trãi dài, hồ nước và núi non hai bên đường, những cánh cò trắng bay tạo ra khung cảnh trước mắt chúng tôi như một bức tranh làng quê thật đầy màu sắc. Khu du lịch này được xem là vẫn giữ được nét hoang dã của núi rừng, khi đến nơi thì khu du lịch này đã tạm ngưng hoạt động để nâng cấp. Chúng tôi được biết đàn voi ở đây đã được thả về rừng trong vòng 2 đến 3 tháng và đến tháng Năm sẽ được dẫn trở lại khu du lịch. Tuy buồn nhưng chúng tôi được chỉ dẫn đến khu du lịch Cầu Treo gần đó.

Vừa đặt chân vào khu du lịch, chúng tôi đã được thấy voi ngay như mong muốn, tuy nhiên những chú voi ở đây chỉ phục vụ cho khách du lịch, voi chở khoảng 2-3 người trên lưng và cho khách đi tham quan vòng quanh khu du lịch. Voi ở khu du lịch này được thuần dưỡng để làm việc. Ban ngày voi làm việc ở khu du lịch rồi buổi tối phải di chuyển khoảng 7km để về nhà trong rừng để nghỉ ngơi, người dân xung quanh nói rằng voi không được nghỉ ban đêm mà phải đi chở gỗ, thời gian cho voi nghỉ ngơi là rất ít ỏi.

Tim, Clara và Cường cũng muốn thử nên chúng tôi đã lên lưng để voi chở đi, con voi chở chúng tôi tên là Mai-Thăm, cảm giác ban đầu hơi sợ sợ vì khi voi đi, người ngồi trên nài khá lắc lư sợ té. Voi chở chúng tôi vượt qua những con dốc nhỏ rồi qua những nhánh cây giăng ngang dọc rất đẹp, đăc biệt nhất là khi voi đi qua sông, cảm giác rất thú vị. Nước chảy khá mạnh tuy nhiên voi vẫn bước đi những bước đi khỏe mạnh và đưa mọi người về đích an toàn. Khi mọi người cưỡi voi thì ông Freddy phải chạy hì hục theo để chụp những tấm ảnh làm kỷ niệm, người của ông Freddy dường như ướt sũng vì mồ hôi.

Bước xuống khỏi voi, chúng tôi tiếp tục đi Cầu Treo để chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tại đây. Cầu treo ở đây khá dài và có nhiều nhánh đi bắc qua sông Sêrêpok. Con sông hai dòng chảy song song với nhau để rồi gặp nhau, nhưng một dòng thì quanh năm đục ngầu, còn dòng kia lại trong veo lạ thường.

Vượt qua cầu treo xong, chúng tôi vào quán ăn gần đó để nghỉ chân và ăn uống nhẹ vì mọi người đã mệt. Mọi người được thưởng thức món cơm lam đặc sản của miền Tây Nguyên với cá leo sông Sêrêpok rất ngon và được thử bia địa phương mang tên của dòng sông huyền thoại này.

Do trời đã tối nên chúng tôi phải tạm biệt Sêrêpok và Bản Đôn để quay về Buôn Ma Thuột nghỉ ngơi.

Ngày hôm sau, chúng tôi có chuyến đi đến trung tâm Hy Vong thuộc Sở giáo dục và đào tạo tỉnh, cơ sở này khá rộng rãi, cơ sở vật chất tốt, đây là nơi hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật. Do đi vào buổi trưa nên chúng tôi không có dịp tận mắt chứng kiến các hoạt động của các em ở đây nhưng được biết cơ sở hiện đang nuôi dạy và hướng nghiệp cho khoảng 200 em khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ và khuyết tật trong đó 95 em được ở lại nội trú do nhà nghèo. Em lớn nhất ở đây là 16 tuổi. Các em được học nghề tranh ghép gỗ, làm hoa. Sau khi học xong nghề, các em được giới thiệu ra các cơ sở bên ngoài để làm việc.

Do không còn nhiều thời gian vì Tim và Clara phải bay về Sài Gòn lúc 6h chiều nên chúng tôi tạm biệt cơ sở hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật Hy Vọng và di chuyển đến trụ sở chính của Trung tâm bảo trợ xã hội tình Đăk Lăk nằm cách đó không xa.

Trung tâm bảo trợ xã hội nằm cách đường chính khoảng 500m với diện tích khá rộng và xanh. Được thành lập năm 1990, là đơn vị trực thuộc sở Lao động,Thương Binh và Xã hội tỉnh Đăk Lăk, có khoảng 64 cán bộ nhân viên (CBNV) tại trung tâm hiện đang chăm sóc và nuôi dưỡng : 135 em mồ côi, 59 người già đơn côi, 19 người khuyết tật nặng và 112 bệnh nhân tâm thần ngoài ra còn có 8 đối tượng lang thang cơ nhỡ cũng được trung tâm cưu mang.

Chúng tôi được các nhân viên ở đây hướng dẫn đi thăm khu vực dành cho người già neo đơn và các em khuyết tật trước. Tại đây chúng tôi được gặp em Thắng, em nói chuyện khá tỉnh táo và lưu loát, thoạt nghĩ em khá thông minh và có thể tiếp thu nhanh, nhưng các cô chăm sóc cho biết em không thể học được vì trí nhớ không tốt.

Qua trao đổi với các nhân viên, chúng tôi cũng biết thêm được tại cơ sở chưa có nhân viên tập vật lý trị liệu hàng ngày cho các đối tượng. Các đối tượng bị điếc và người già bị lãng tai thì chưa có máy nghe.

Tại khu tâm thần, một số đối tượng bị nhẹ được tạo điều kiện cho ra khỏi khu đặc biệt cho người tâm thần nặng để làm việc cùng những đối tượng khác.

Chúng tôi được thấy họ làm chổi khá cẩn thận và tỉ mỉ, đối tượng khác thì được dạy làm nhang. Ngoài ra các đối tượng ở đây còn được học cách chăn nuôi heo, thỏ…và trồng trọt rau củ.

Các em mồ côi ở đây được chăm sóc và nuôi dưỡng khá tốt về cở sở vật chất cũng như tinh thần. Có hai khu nhà cho các em mồ côi nữ và hai khu cho các em nam. Các em ở đây không hẳn là mồ côi hết, có em do gia đình khó khăn hoặc mồ côi cha hoặc mẹ được Trung tâm đưa về nuôi dưỡng. Các em được đi học ở trường chính quy, nhà ở của các em khá mới và gọn gàng. Các em đang ở độ tuổi từ lớp 6 đến lớp 12 đều được gửi ra trường chính quy để học. Sau khi học xong phổ thông, các em còn được tạo điều kiện để học tiếp đại học. Sau khi học đại học, các bạn có thể quay lại Trung tâm để làm việc phụ giúp và tiếp nối công việc của các cô thầy ở đây.

Tuy còn một số thiếu thốn nhưng các đối tượng tại đây luôn được chăm sóc 24/24 và các nhân viên ở đây khá nhiệt tình với công việc.

Lúc này đã gần đến giờ bay của Tim và Clara nên chúng tôi đành chào tạm biệt và gởi lời cảm ơn đến các CBNV của trung tâm đã dành thời gian quý báu để đón tiếp chúng tôi và nhanh chóng ra xe đi sân bay.

Sau khi tạm biệt Tim và Clara ở sân bay. Cường và Freddy tiếp tục chuyến đi ngược về Phước Long để đến thăm cơ sở nuôi dưỡng các em dân tộc của các soeur truyền giáo thuộc giáo xứ Long Điền.

Sau một chuyến đi dài từ Đăk Lăk về Bình phước thì đã 12h khuya nên chúng tôi ghé vào một khách sạn ở Bình Phước để nghỉ qua đêm. Lúc này, chúng tôi còn cách Phước Long khoảng hơn 40km.

Sáng hôm sau, sau khoảng 1h30 phút di chuyển bằng xe, chúng tôi đã đến được cơ sở nuôi các em dân tộc.

Cơ sở chỉ nằm sau nhà thờ của giáo xứ Long Điền khoảng 500m, chúng tôi được các soeur đón tiếp nhiệt tình và vui vẻ. Soeur Loan cho biết, cơ sở hiện đang nuôi dạy cho khoảng 90 em dân tộc là mồ côi. Có em mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc bị cha mẹ bỏ rơi vì nghèo, không thể nuôi. Các em ở đây cũng được các soeur tạo điều kiện cho đi học từ lớp 1đến lớp 12 ở trường chính quy. Sau phổ thông, các em có thể chọn học đại học hoặc đi tu theo ý muốn. Hằng ngày, các em học cấp 3 phải đạp xe khoảng 14km để đến trường.

Sau giờ học, các em còn phải đi làm thêm với các soeur các công việc như làm cỏ, đi mót hạt điều cho các chủ vườn xung quanh. Cơ sở vật chất tại cơ sở là khá lụp xụp và thiếu thôn nhiều mặt. Bàn ăn của các em tuy đã bị bung ván và lủng nhiều lỗ nhưng vẫn phải dùng để làm bàn học. Bếp cơm để nấu ăn hàng ngày bị bể chưa có chi phí để sửa, hàng ngày các em phải ăn cơm lúc chín lúc sống. Các mái nhà đều bị lủng, khi trời mưa thì luôn bị dột, nền nhà bị lún. Soeur còn cho biết để kiếm ăn hàng ngày cho các em đã khó, giờ muốn nâng cấp cơ sở vật chất càng khó hơn. Các soeur rất buồn vì vào mùa lạnh, các em rất hay bị bệnh và sốt vì không có đủ điều kiện để làm mới cơ sở vật chất tốt hơn cho các em.

Hàng tuần các soeur còn đi quyên góp người dân xung quanh để vào các bản của người dân tộc, mang lương thực và thuốc men cho họ, đồng thời tìm kiếm những đối tượng gặp khó khăn để giúp đỡ. Soeur cho biết người dân tộc ở đây họ sống rất khép kín, luôn sống ẩn mình và trốn tránh mọi người khi bị bệnh, vì vậy rất khó để giúp đỡ họ. Sau khi tham quan và ghi nhận tình hình tại cơ sở, chúng tôi phải lên xe ra về.

Tạm biệt các soeur và các em dân tộc, chúng tôi ra xe về Sài Gòn và khép lại chuyến đi với nhiều kỷ niệm cũng như có thêm những kinh nghiệm về vùng Tây Nguyên và hiểu biết thêm về cuộc sống của những người có hoàn cảnh khó khăn nơi đây để tiếp tục công việc giúp đỡ và cưu mang những mảnh đời bất hạnh còn chưa được gặp « May Mắn ».

Trần Tất Cường