# # # # # # # #

Hai người mẹ

SGTT.VN – “Nhiều lúc tôi tự hỏi: nếu không nhận được tình yêu thương của mẹ thì đời mình sẽ trôi dạt về đâu?” – Kim Văn Phước mở đầu câu chuyện.

Lạc mẹ ruột

Gia đình nhỏ của Kim Văn Phước và hai người mẹ: Tim Aline Rebeaud (bìa trái) và mẹ ruột (ngồi võng).

Mẹ Phước là một bệnh nhân tâm thần sống lang thang rày đây mai đó, còn cha Phước thì chẳng ai rõ. Phước chào đời được ít ngày thì mẹ bỏ đi rồi thất lạc luôn. Phước lớn lên nhờ sự bảo bọc của bà ngoại già yếu và vợ chồng người cậu ruột gia cảnh khó khăn. Năm Phước sáu tuổi, bà ngoại muốn cậu được tới trường như bao đứa trẻ khác, nhưng cậu bé không chịu mà nằng nặc đòi kiếm tiền phụ ngoại. Vậy là hàng ngày, Phước lang thang bán vé số quanh các vựa cá hấp khu cầu Ông Lãnh (quận 1 TP.HCM), tối về nộp toàn bộ tiền kiếm được trong ngày cho cậu mợ.

Nhờ lanh lẹ mà cậu bé còn chưa biết mặt chữ có thể bán được trên 500 tờ vé số mỗi ngày. Thế nhưng sau một lần mệt mỏi rồi ngủ gục ở một quán càphê, Phước bị kẻ gian lấy đi toàn bộ số tiền và vé số. Xót của, người cậu đánh Phước một trận rất đau. Không ngờ chỉ đúng một ngày sau, Phước lại bị trấn lột lần nữa. Sợ đòn, cậu quyết định bỏ nhà đi.

Một đứa trẻ bảy tuổi lang thang giữa dòng đời chẳng khác chiếc lá khô bị cuốn vào dòng nước xoáy, nên khi có người hứa hẹn sẽ dẫn cậu về một mái ấm và cho ăn học đầy đủ, Phước liền nghe theo. Nhưng sự thật lại khác hẳn: Phước cùng gần chục đứa trẻ bị buộc phải đi đánh giày từ sáng tới tối, bị đánh đập dã man nếu có ý định phản kháng… Gần một năm sống trong khiếp sợ, Phước rất muốn quay lại với gia đình nhưng cậu không thể nhớ được tên họ thật của mình cùng địa chỉ nhà bà ngoại. Thật may, từ những thông tin mù mờ của cậu, một phụ nữ tốt bụng đã nhờ công an giúp cậu tìm được gia đình.

Trở về, Phước tiếp tục đi bán vé số. Vài tháng sau, nghe bạn bè rủ rê, cậu dùng hết số vốn gia đình cấp cho để chơi game, rồi bỏ nhà đi bụi lần nữa. Trong một chiều mưa tầm tã năm 1993, Phước nhìn thấy một cô gái trẻ người nước ngoài tại quán càphê trên đường Phạm Ngũ Lão, cậu xáp lại chìa tay xin tiền nhưng cô gái từ chối và nói: “Cô không có tiền cho con, nhưng cô có thể cho con một gia đình, con có muốn không?”

Lạc mẹ nuôi

Người phụ nữ ấy chính là nhà hoạt động xã hội Tim Aline Rebeaud, người đã sống 20 năm tại Việt Nam để cưu mang hàng trăm trẻ mồ côi, lang thang và người khuyết tật. Dù không còn lòng tin vào con người do những ám ảnh quá khứ, nhưng vì đang lạnh và đói nên Phước đồng ý theo cô gái ngoại quốc về một căn nhà lá nằm trong con hẻm nhỏ ở Bình Hưng Hoà. Phước nhớ lại: “Khi tôi tới, đã có sẵn gần chục đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình và vài người khuyết tật chung sống trong căn nhà lá. Nhà chỉ có vài chiếc giường dành cho người khuyết tật, mọi người và cả mẹ Tim đều phải nằm dưới sàn nhà để ngủ, nhưng mọi người cư xử với nhau ấm áp như một gia đình nên tôi nhanh chóng gắn bó với nơi này”.

Thời gian đó, toàn bộ chi phí cho hơn chục con người chỉ dựa vào thu nhập từ nghề vẽ tranh và thỉnh thoảng có thêm thù lao Tim Aline kiếm được từ việc đóng phim quảng cáo. Phước cho biết: “Có những giai đoạn mẹ Tim không kiếm được việc làm, tới bữa ăn mọi người chỉ có cơm trắng với chút nước tương, các con lại bảo nhau đi bắt cá từ những cánh đồng quanh đó. Nhưng ngay cả giai đoạn khó khăn nhất, mẹ Tim cũng chú trọng tới việc bồi dưỡng kiến thức cho các con. Mẹ thuê người về dạy các con học chữ, học vẽ để có cái nghề, bản thân mẹ cũng miệt mài học tiếng Việt để hiểu các con hơn. Giờ ngẫm lại, tôi hết sức hối hận vì đã làm mẹ phiền lòng nhiều đến vậy…”

“Khi đã chấp nhận giúp đỡ một con người thực sự thì không thể làm nửa chừng, mình phải xác định đó là việc lâu dài và theo đuổi tới cùng. Tim thương Phước như con ruột nên luôn có đủ lòng tin, sự kiên nhẫn và tình yêu thương để giúp con đứng vững hơn trong cuộc sống. Phước đã chứng minh điều đó là đúng khi từ một đứa trẻ ngỗ nghịch, tới nay Phước đã trưởng thành rất nhiều” nhà hoạt động xã hội Tim Aline Rebeaud

Bởi đã quen cách sống bụi đời, Phước cứ như con ngựa bất kham, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của mẹ. Vài bữa cậu lại ngẫu hứng bỏ nhà đi lang thang, báo hại mẹ nuôi tìm kiếm khắp nơi. Bao lần mẹ đóng tiền cho đi học nghề là bấy nhiêu lần Phước bỏ ngang chỉ sau vài bữa. Cậu ngỗ nghịch tới nỗi người quản lý đã có lần cương quyết đòi trục xuất cậu khỏi mái ấm, may mà mẹ Tim đứng ra bảo lãnh cho Phước được ở lại. “Trong những đứa con của mẹ thì tôi có lẽ là đứa ngang ngược nhất, nhưng mẹ luôn kiên nhẫn cảm hoá bằng tình thương. Vậy mà một lần vì hỗn hào quá sức, tôi bị mẹ Tim tức giận tát tai một cái, nhưng ngay sau đó mẹ đã bật khóc. Đó là lần duy nhất mẹ đánh tôi, nhưng làm cho tôi chợt tỉnh vì biết mẹ thất vọng vì tôi đến thế nào…”– Phước tâm sự. Từ đó, Phước chí thú học nghề, rồi ngày càng ráng sống tốt hơn để khỏi phụ lòng mẹ. Được vài năm, Phước yêu một cô gái nghèo gần đó, mẹ Tim thay mặt gia đình đằng trai đứng ra lo toan mọi lễ nghi cho đám cưới đôi trẻ.

Sum họp với cả hai người mẹ

Có được gia đình riêng hạnh phúc, Phước lại nhớ tới người mẹ đẻ giờ không biết lưu lạc phương nào. Sau hơn một năm tìm kiếm trong vô vọng, cuối cùng mọi người mừng vui khôn xiết khi gặp được mẹ Phước đang lang thang tận Long An. Dù biết sẽ gặp nhiều phiền phức do mẹ lúc mê lúc tỉnh, nhưng hai vợ chồng vẫn quyết định đón mẹ về ở chung nhà. Thật mừng là sau vài tháng được sống cùng con trai, người mẹ dần dần hồi tỉnh và hiện nay đã có thể phụ giúp các con những việc nội trợ. Phước chia sẻ: “Cuộc đời tôi trải qua nhiều biến cố, nhưng tôi vẫn thấy mình thật may mắn vì đã có được hai người mẹ”.

Bài và hình: Huong Vu