Hơn 20 năm qua người ta biết đến câu chuyện về Nhà May Mắn (Maison Chance) do Hoàng Nữ Ngọc Tim (Aline Rebeaud) thành lập tại TP.HCM, nơi “chắp cánh” cho hàng ngàn số phận bất hạnh vươn lên. Mới đây, câu chuyện đẹp đẽ này lại được viết tiếp.
Tim (ngồi hàng đầu) cùng với học sinh và nhân viên ngày khánh thành trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May Mắn Đắk Nông.
1/ Từ Sài Gòn lên trung tâm bảo trợ xã hội (TTBTXH) Nhà May Mắn Đắk Nông nếu đi xe ngoài người ta đến TP Gia Nghĩa, đi tiếp xe buýt vào xã Krông Nô rồi dừng lại ở trạm thác Dray Sap. Đắk Nông những ngày đầu tháng 5 nóng bức, nhiệt độ ngoài trời dễ lên đến 38 – 400C, nhưng khi đặt chân vào trong trung tâm bảo trợ như mát hẳn, vì trước mặt là những ngôi nhà đủ màu sắc của phòng làm việc, phòng học, nhà ăn, nhà ở… mang đến cảm giác bình yên, nhẹ nhàng.
Cô Trần Thị Mùi, phụ trách bộ phận xã hội, cho biết trung tâm hiện bảo trợ 161 trẻ, chúng được ăn, ở, học hành miễn phí từ lớp 1 – 5 theo dạng nội trú hoặc bán trú. Ngoài trẻ bình thường, trung tâm còn nhận trẻ mắc bệnh Down, bại não, khuyết tật vận động, dạy riêng ở ba lớp chuyên biệt.
“Trẻ học ở đây phần lớn sống ở Đắk Nông, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt hoặc nhà nghèo không thể đi học. Cũng có trẻ di cư từ nơi khác đến, học trễ lớp nên không được trường ngoài nhận. Chúng tôi đến từng nhà tìm hiểu hoàn cảnh, nếu đủ tiêu chuẩn, trẻ sẽ được nhận vào học theo chương trình như bên ngoài”, cô Mùi nói.
Chính thức hoạt động vào tháng 11/2019, TTBTXH Nhà May Mắn Đắk Nông rộng 2,7ha, ngoài giáo dục còn trị liệu. Hàng ngày, người khuyết tật vận động có thể tập phục hồi tại phòng tập vật lý trị liệu. Đặc biệt hơn, họ và người khuyết tật tâm thần còn được trị liệu tại bể bơi áp dụng liệu pháp tắm ngâm (balneotherapy) hay liệu pháp hỗ trợ với ngựa (equine-assisted therapy), hai mô hình ít nơi có.
Tối 6/5, ngồi hóng mát trên chiếc xe lăn tại khoảng sân rộng phía trước trung tâm, T. K. H kể cho tôi nghe câu chuyện của anh: “Gia đình tôi là nông dân Vạn Ninh, Khánh Hoà. Đầu năm 2005, trong lúc làm việc tôi té từ trên cao xuống đất và tứ chi bị liệt hoàn toàn. Người nhà đưa tôi đến bệnh viện tỉnh, ở đây chuyển vào bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Hơn một năm trời chạy chữa nhiều bệnh viện, gia đình tốn bao công sức, tiền bạc, thậm chí phải cầm cố nhà cửa, nhưng tôi vẫn không khá bao nhiêu. Tình cờ biết đến Nhà May Mắn, tôi xin vào và được chấp thuận”.
Ngày bị tai nạn, H. là một thanh niên phơi phới, nhưng giờ đây anh gần bước sang tuổi 40. Tôi hỏi anh tại sao không về nhà ở với người thân, anh nói: “Nhà tôi nghèo, mẹ già, mấy đứa em lại có cuộc sống riêng. Về nhà chỉ làm cực người thân mà không có ai chăm sóc”. Nói xong, H. chìa cho tôi hai tay, hai chân cứng đờ teo tóp, mất hết cảm giác. Ngày ngày, H. phụ công việc tại trung tâm, tập luyện đều đặn, và niềm vui của anh là lên mạng học Anh văn.
Mỗi người thụ hưởng dự án của Nhà May Mắn đều có một số phận riêng, nhưng tất cả họ lại có một điểm chung là vẫn còn may mắn. H. nói tiếp: “Nếu không có chị Tim, không có Nhà May Mắn giờ đây tôi không biết mình sẽ ra sao”. Tại TTBTXH Đắk Nông, hoàn cảnh như H. không phải cá biệt, và cũng có những cậu bé bị cha mẹ bỏ rơi, ly tán vì tù tội.
Trị liệu với ngựa cho trẻ khuyết tật tâm thần, vận động.
2/ Thú thật lý do để tôi vượt hơn 300km từ Sài Gòn đến TTBTXH Đắk Nông, một phần vì tò mò mô hình giáo dục, trị liệu mới dành cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn ở đây, phần khác vì tò mò muốn gặp Trần Văn Thành, “đứa con” đầu tiên Tim cưu mang tại Việt Nam, để từ đó ra đời tổ chức Nhà May Mắn.
Năm nay 43 tuổi, nhưng Thành nói chuyện ngô nghê không khác một đứa trẻ, vì anh có vấn đề tâm thần. Tôi hỏi anh còn nhớ người thân không, anh đáp: “Thành không có ai hết, chỉ có Tim. Chị Tim thương Thành nhiều nhất”.
Sống ở Nhà May Mắn TP.HCM từ ngày đầu, anh mới chuyển lên sống ở Đắk Nông hồi tháng 3 và rất thích thú: “Ở đây không ồn ào, bụi bặm, Thành thích lắm”. Hàng ngày anh phụ nhà bếp dọn cơm cho các em học sinh ăn, chiều có mặt ở lớp 2 để cô giáo dạy chữ và trò chuyện.
Cách đây 27 năm, năm 1993, Tim khi ấy là một cô gái trẻ Thuỵ Sĩ 20 tuổi, đi du lịch nhiều nước rồi dừng hẳn ở Sài Gòn, vì bắt gặp những hoàn cảnh cơ nhỡ và nghĩ mình cần giúp đỡ họ. Ngày kia cô ghé thăm một trung tâm chăm sóc người tâm thần, trong số hàng trăm bệnh nhân cô lưu ý một cậu bé tên Thành bị trướng bụng, da ghẻ lở, mắc nhiều bệnh bên trong, được cán bộ quản lý cho biết không còn hy vọng sống.
Giờ học tại lớp chuyên biệt.
Xúc động trước hoàn cảnh của Thành, Tim bảo lãnh em ra ngoài chữa trị. Tại viện Tim, bác sĩ từ chối vì bệnh quá nặng. Tim mang Thành qua bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ở đây nhận chữa và Tim lưu lại gần bốn tháng chăm sóc cho đến khi Thành khỏi bệnh.
Thành là người thân đầu tiên của Tim ở Việt Nam. Gặp Thành là một định mệnh, vì kể từ đó Tim bỏ cả tuổi thanh xuân và nửa cuộc đời cho một đất nước với những người bất hạnh xa lạ. Nhưng trong cuốn tự truyện xuất bản vào năm 2017, Tim tiết lộ một định mệnh sâu xa hơn đưa đẩy cô đến Việt Nam:
“Năm mười tuổi, mẹ tôi dắt con gái đến thư viện. Mẹ để con gái ở khu vực sách thiếu nhi rồi đi xem sách của người lớn. Khi bà quay về thì thấy con gái mình không còn ở đó. Bà đi kiếm khắp nơi trong thư viện, cuối cùng lgặp lại con ở khu vực sách của người lớn. Con gái bà đang ngồi dưới đất ôm cuốn sách hình trắng đen, đó là những hình ảnh về Việt Nam năm 1951”.
Cuộc đời Tim dành cả cho người bất hạnh, khuyết tật có lẽ cũng có lý do sâu xa, vì hai bạn trai đầu đời của cô đều có hoàn cảnh đặc biệt, một mồ côi, một liệt nửa người sau tai nạn giao thông như cô kể trong tự truyện:
“Mười bốn tuổi tôi tham gia một trại hè khác ở miền Trung nước Ý. Ở đó, tôi gặp Giampiero, một thanh niên địa phương, 16 tuổi đi xe gắn máy. (…) Hai đứa tôi thương nhau ngay (…) Lúc chia tay ở nhà ga hai đứa khóc nhiều lắm. Rồi tôi phải lên xe lửa, còn Giampiero về nhà bằng xe gắn máy của mình. Vừa về đến Thuỵ Sĩ tôi nhận được tin Giampiero gặp tai nạn và bị thương rất nặng, đang trong tình trạng hôn mê”.
Phương pháp thuỷ trị liệu cho người khuyết tật vận động.
3/ Giữa tháng qua, gặp lại Tim tại trung tâm chắp cánh của Nhà May Mắn tại TP.HCM, Tim cho biết mình từ Đắk Nông về để chữa chứng đau gối do thoái hoá khớp. Có thể đó là di chứng của một lần cô té xe đạp, nhưng cũng có thể đó là hậu quả của gần 30 năm cô bôn ba lo cho hàng ngàn người bất hạnh Việt Nam.
Tôi hỏi Tim lâu nay còn quay lại Thuỵ Sĩ nữa không, cô cười rồi đáp: “Quê hương Tim là Việt Nam mà. Ở đây Tim có hàng trăm đứa con, đứa cháu. Họ gọi Tim là mẹ hay bà. Tim có quốc tịch Việt, tên Việt hẳn hoi và có cả huân chương lao động do Chủ tịch Nước trao tặng”.
Không về Thuỵ Sĩ, nhưng hàng năm Tim ra nước ngoài vận động mạnh thường quân hỗ trợ cho những hoạt động của Nhà May Mắn (ba cơ sở ở TP.HCM, một ở Đắk Nông), với gần 700 con người cần giúp đỡ, gồm: trẻ mồ côi, trẻ nghèo, người khuyết tật không nơi nương tựa. Chưa kể người khuyết tật sống bên ngoài, có gia đình, nhưng vẫn đến trung tâm để học nghề hay tập vật lý trị liệu.
Năm qua, chi phí hoạt động của Nhà May Mắn hơn 800.000 USD, năm nay gần 1 triệu USD, do cơ sở Đắk Nông mở rộng số người thụ hưởng và cũng cần bổ sung những phòng học nghề cho người khuyết tật. Tim nói: “Truyền thông viết nhiều về Nhà May Mắn. Mỗi lần viết xong có nhiều người nghèo tìm đến xin trợ giúp mà người giàu đến giúp đỡ lại không có bao nhiêu. Vì thế, ngân sách thường xuyên thiếu hụt”. Được biết tỷ lệ quyên góp từ các nhà tài trợ Việt Nam từ 2015 – 2019 tăng dần, nhưng chỉ khoảng 17% so với tổng chi tiêu hàng năm của trung tâm.
Hà, 13 tuổi, người dân tộc Nùng, khuyết tật vận động và không nói được, trong giờ ăn sáng.
“Câu chuyện của Tim như một chuyện cổ tích và có thể làm phim”, có lần tôi nói với bạn bè như thế. Trong thực tế truyền thông chuyển tải chưa đến 10% những gì Tim trải nghiệm và kể ra trong tự truyện. Đó là việc cô bị chính quyền địa phương nghi ngại hay làm khó dễ trong những ngày đầu, là nhiều lần cô bị người khác lừa gạt hay lợi dụng lòng tốt, và vô số công sức cô bỏ ra để Nhà May Mắn có được pháp nhân chính thức như ngày nay.
Kiên định theo đuổi giấc mơ và tình thương lớn lao dành cho những người không máu mủ, ruột rà của Tim, thấp thoáng hình ảnh của bác sĩ Beat Richner, sáng lập chuỗi bệnh viện Kantha Bopha ở Campuchia, hay bác sĩ phẫu thuật tim trẻ em René Prêtre, sáng lập quỹ Petit Cœur (Trái tim bé nhỏ) hoạt động ở Campuchia, Mozambique. Cả hai bác sĩ này cũng là người Thuỵ Sĩ. Ít ai biết, mẹ ruột Tim, bà Marianne Sébastien, là sáng lập viên Voix Libre, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ những trẻ nghèo đường phố, hay trẻ làm việc ở các mỏ đá và bãi rác ở Bolivia.
“Tim sẽ tiếp tục làm những gì mình đã khởi sự. Còn rất nhiều việc đang đợi Tim. (…) Ở đây Tim học cách làm việc, học cách cống hiến đời mình để cải thiện cuộc sống của những người kém may mắn, và Tim sẽ không ngừng lại cho đến khi mình đã thực sự kiệt sức. Nhưng Tim mong sao Nhà May Mắn sẽ tiếp tục duy trì kể cả khi Tim không còn nữa”.
Tim viết như thế trong phần kết quyển tự truyện của mình. Nhưng tôi tin câu chuyện cổ tích đẹp đẽ mà Tim viết ra lâu nay ở Việt Nam, không bao giờ có hồi kết.
BàiPhan Sơn, ẢnhBình Yên – MC
Trích nguồn: thegioihoinhap.vn