# # # # # # # #

Chuyến đi ngắn cho một hành trình dài

Tháng 12/2011

Vào ngày 26 đến 29 tháng 12 năm 2011, Tim có tổ chức một chuyến đi về Lâm Đồng với mục đích:

– Khảo sát khu vực nơi đây để tìm hiểu về điều kiện, tình hình và nhu cầu của người dân ở Lâm Đồng nói chung và Bảo Lộc nói riêng cho dự án Nhà May Mắn ở nông thôn cũng như tham quan một số cơ sở từ thiện.

– Tìm hiểu về mô hình chăn nuôi và trồng trọt trong vùng.

– Chuyến đi này còn giúp các em nhỏ có thể hiểu thêm về công việc để sau này có thể chia sẻ và nối tiếp công việc của Tim.

-Thành viên trong chuyến đi gồm :

Tim : Người sáng lập tổ chức Maison Chance

McFreddy : Nhiếp ảnh gia

Các em mồ côi gồm : Cường (trợ lý), Bích Tuyền, An, Thành lớn và Thành nhỏ.

Và hai người khuyết tật : Phương, Liên.

Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu từ Sài Gòn vào lúc 14 giờ, đến 19 giờ thì chúng tôi đặt chân đến thành phố Bảo Lộc, cách Sài Gòn khoảng 190km, cao trên 800m, thành phố có số dân khá ít, chỉ khoảng 150 ngàn người . Đến đây, chúng tôi bắt đầu cảm nhận được thời tiết mát lạnh của miền núi.

Sau khi chạy 1 vòng để tìm quán ăn cũng như tham quan thành phố Bảo Lộc về đêm chúng tôi về khách sạn để nghỉ ngơi sau một chặng đường dài và chuẩn bị cho hành trình ngày hôm sau.

Ngày hôm sau chúng tôi háo hức muốn được đi chiêm ngưỡng thác Dambri, thác cao nhất khu vực Lâm Đồng.
Nằm cách thành phố Bảo Lộc 18km, vượt qua những đồi chè xanh mênh mông, những con dốc cao quanh co, chúng tôi đến được khu du lịch Dambri, hiện ra trước mặt chúng tôi là một quang cảnh non nước rất thơ mộng của Dambri, đồi núi xanh mướt và hồ lăn tăn sóng, trông Dambri thật đẹp.

Ngoài việc tham quan, đây cũng là cơ hội để chúng tôi có thể tìm hiểu về khu vực để thực hiện dự án Nhà May Mắn ở nông thôn nhằm giúp đỡ những người kém may mắn, tuy nhiên để tồn tại và duy trì hoạt động thì cũng cần phải có khách đến tham quan và ủng hộ, vì vậy phải chọn một nơi có quang cảnh đẹp, nằm trên những tuyến đường thuận lợi cũng như được nhiều người biết đến và quan tâm, Dambri là một ví dụ.

Sau khi thăm thác Dambri, Tim và các em nhỏ đã làm một chuyến thám hiểm nhỏ, đi sâu vào khu sâu nhất của khu du lịch Dambri, nơi đây là rừng với rất nhiều tre, trông có vẻ rất ít người đi lại nơi đây nhưng quang cảnh thiên nhiên thì rất đẹp và tự nhiên.

Tạm biệt thác Dambri, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình hướng đến cơ sở khuyết tật Lộc Phát, TP Bảo Lộc.
Cơ sở khuyết tật Lộc Phát nằm trong một con hẻm nhỏ của TP Bảo Lộc. Chung toi den day để tìm hiểu về cách giúp đỡ và hỗ trợ cũng như xuất thân và hoàn cảnh của những người khuyết tật trong vùng. Cơ sở Lộc Phát là nơi các Sơ nuôi dưỡng các em khuyết tật nhẹ và kém phát triển, tuy nhiên họ chủ yếu được chuyển về từ trung tâm chính là cơ sở người khuyết tật Thị Nghè ở Sài Gòn. Các sơ lo cho khoảng 30 em, các em đều đi lại được bình thường

Khi đến nơi, chúng tôi được các Sơ và thành viên của cơ sở đón tiếp rất nồng nhiệt. Các bạn rất vui khi chúng tôi đến. Đặc biệt nhất là câu chuyện gặp lại nhau sau 20 năm của Thành (đối tượng đầu tiên mà Tim nuôi dưỡng) và các sơ nơi đây. Thành nhận ra các Sơ và các bạn đà từng sinh hoạt chung với mình lúc nhỏ. Một số bí mật và những người bạn mà Thành chưa bao giờ kể, Thành vẫn còn nhớ tên của các bạn và tên của mình lúc nhỏ, Hùng là tên của Thành lúc nhỏ. Thành tỏ ra rất vui nhưng cũng khá ngại ngùng vì đã lâu rồi không gặp lại họ.

Sau câu chuyện dài về Thành, chúng tôi được các Sơ hướng dẫn tham quan cơ sở. Ở đây, các Ssơ dạy cho các đối tượng làm nghề để họ có thể tự lập, chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi.
Ngoài ra, tại đây, các sơ còn tạo điều kiện cho những người khuyết tật trưởng thành có thể tự lập hơn bằng cách cho họ ra ở bên ngoài cơ sở, họ được các sơ xây 6 nhà riêng cho từng nhóm 6 người, tự sắp xếp các sinh hoạt hàng ngày.Họ nuôi gà, chăm sóc và thu hoạch café.

Sau khi thăm vườn café và khu nhà của các bạn khuyết tật trưởng thành tự lập thì trời cũng đã chập tối, chúng tôi chia tay Sơ và các bạn để tiếp tục chuyến đi lên Đức Trọng.
Tạm biệt Bảo Lộc, chúng tôi tiếp tục lên xe và đi đến Đức Trọng, Huyện Đức Trọng nằm ở vùng giữa tỉnh Lâm Đồng với diện tích tự nhiên 901,79 km2 và dân số 166.358 người, nằm ở độ cao trên 900m, thời tiết tại Đức Trọng lúc này cũng khá lạnh.

Chúng tôi sẽ đi đến nhà Liên, một thành viên khuyết tật trong chuyến đi để tạo điều kiện cho Liên được thăm gia đình sau đó chúng tôi quay về khách sạn để nghỉ ngơi vì hôm sau chúng tôi sẽ đến Đà Lạt, thành phố của ngàn hoa, đẹp và đầy thơ mộng.
Trưa hôm sau, chúng tôi tạm rời Đức Trọng để đến Đà Lạt. Đà Lạt có diện tích 394,64km2 và dân số khoảng 210.000 người.

Với độ cao 1.500 mét so với mực nước biển và được các dãy núi, Đà Lạt thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. Đà Lạt trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, mỗi năm thu hút hàng triệu du khách tới thăm viếng và nghỉ dưỡng. Quang cảnh đồi núi, rừng thông bắt đầu hiện ra trước mắt chúng tôi. Sau khi vượt qua đèo Prenn, dưới chân đèo là một « quốc gia nhỏ » khác nằm trong lòng Việt Nam, Đà Lạt hiện ra trước mắt chúng tôi với vẻ kiến trúc Châu Âu và thời tiết lạnh làm cho người ta cứ nghĩ mình đang ở đâu đó trên nước Pháp. Cả thành phố lúc này đang rộn ràng chuẩn bị chào đón Festival Hoa hàng năm, du khách đến đây cũng khá đông.

Địa điểm đầu tiên mà chúng tôi sẽ đi thăm ở Đà Lạt là nhóm « Vòng Tay Yêu Thương » do cô Yêm phụ trách.
Thật ra đây là nhà của một thành viên trong nhóm, vì chị cũng có con bị khuyết tật nên chị thông cảm và cho cô Yêm mượn để tạo nơi làm việc cho các bạn khuyết tật nơi đây. Căn nhà nhỏ và chỉ chưa đầy 10 thành viên khuyết tật và còn khoảng 50 thành viên khác làm việc tại nhà, họ làm ra các sản phẩm bằng len như áo, hoa, búp bê.
Các thành viên nơi đây mỗi người có mỗi hoàn cảnh khá đặc biệt, đa số họ ở tuổi trung niên, có gia đình nhưng gặp nhiều bất hạnh. Ban ngày, họ đến đây làm việc rồi trở về nhà vào buổi tối.

Cô Yêm (phó Chủ tịch hội người khuyết tật Đà Lạt), người phụ trách nhóm cũng là một người khuyết tật cho biết vì cơ sở còn nhỏ và chưa có đất để xây dựng và mở rộng kế hoạch nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và giúp đỡ những người khuyết tật trong vùng. Cô mong muốn sẽ nhận được nhiều hơn những sự giúp đỡ để có thể phát triển mô hình và giúp đỡ được nhiều hơn những người kém may mắn trong vùng.

Sau khi gặp gỡ và giao lưu với nhóm Vòng Tay Yêu Thương, chúng tôi háo hức muốn được tham quan Đà Lạt. Đà Lạt về đêm thật đẹp và nhộn nhịp, mọi người đổ ra chợ sinh hoạt và vui chơi dù thời tiết lúc này rất lạnh, các thành viên của chuyến đi phải đi tìm mua áo ấm để mặc vì không quen với thời tiết lạnh của Đà Lạt còn em Thành thì đã chuẩn bị đồ tắm trong balô từ khi ở nhà vì em nghĩ ở Đà Lạt có biển và sẽ được tắm biển !

Chúng tôi được gặp anh Lâm, một người bạn của Tim, đã từng du học ở Pháp hơn 10 năm, là chủ tịch hội thanh niên công giáo ở Paris. Anh đã giúp hội Maison Chance tổ chức các buổi tiệc quyên góp và bán hàng hàng năm trong 4 năm lên tiếp, anh luôn sẵn sàng giúp đỡ cho các dự án mới của Nhà May Mắn tại Việt Nam Chúng tôi rất vui khi được anh mời về nhà dùng bữa tối, mọi người rất thích món bánh bèo Đà Lạt, rất ngon và lạ. Chúng tôi quay trở lại Chợ đêm tham quan và mua một số quà cho mọi người và được thử tất cả các loại mứt ngon đặc sản của Đà Lạt. Sau đó chúng tôi lên xe và trở về Đức Trọng để nghỉ qua đêm.

Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm thêm thông tin của một số cơ sở từ thiện ở Bảo Lộc, tuy nhiên cơ sở Tia Sáng đã bị đóng của và bỏ hoang từ lâu nên chúng tôi đành phải lên xe để quay về thành phố.

Vượt qua được đèo Bảo Lộc thì chúng tôi gặp một rắc rối nhỏ với xe. Do xe đã được sử dụng gần 20 năm nên đã cũ và bị, mọi người phải đợi xe được sửa rồi mới tiếp tục cho chuyến đi về.

Trên đường về, chúng tôi gặp được cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi Madagui thuộc huyện Đạ Huoai. Huyện Đạ Huoai nằm ở phía tây nam của tỉnh Lâm Đồng, cách Sài Gòn 145km, có diện tích 489,6km2 và dân số gần 33.000 người.
Trung Tâm do cô Kiều (phó Giám đốc trung tâm) thành lập và được các nhà hảo tâm lo chi phí hoạt động, cơ sở năm trên đường lớn và gần khu du lịch Madagui,có 9 nhân viên lo về đời sống và y tế choj khoảng 40 em mồ côi và kém phát triển tuy nhiên vẫn ít người biết đến dù cơ sở đã được thành lập được 4 năm.

Các em ở đây chủ yếu đến từ vùng sâu, vùng xa trong khu vực được cô Kiều đưa về chăm sóc và giáo dục, cơ sở cũng tạo điều kiện cho 6 em được đi học ở trường bên ngoài.

Sau khi thăm hỏi cũng như tham quan nơi ăn ở và học tập của các em, chúng tôi lên xe để quay về Sài Gòn. Khép lại một chuyến đi ngắn bổ ích và vui vẻ. Tạm biệt thời tiết mát lạnh của vùng núi, chúng tôi trở về với cái nóng quen thuộc của Sài Gòn cùng với những kỷ niệm ở Đà Lạt, Bảo Lộc. Mong rằng sẽ có dịp trở lại đây trong tương lai cùng với một Nhà May Mắn mới ở vùng cao nguyên để giúp đỡ được nhiều hơn những mảnh đời bất hạnh và kém may mắn, đem lại cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn để họ biết cuộc đời vẫn đẹp và có nhiều thứ để mơ ước.

Tran Tat Cuong