# # # # # # # #

Chuyến đi tình nguyện của các sinh viên y tại Làng May Mắn

Đây không phải lần đầu tiên dự án CURA gửi các sinh viên trường đại học y khoa Creighton đến với Nhà May Mắn nhằm thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hoá và y tế. Tháng bảy vừa qua, chúng tôi vui mừng chào đón Ali, Allison, Matt và Tolison, những sinh viên đã dành kỳ nghỉ hè của mình tham gia tình nguyện tại các bệnh viện khắp Việt Nam để hiểu rõ hơn về hệ thống chăm sóc sức khỏe nơi đây. Tuần cuối cùng trong lịch trình, họ đã ở lại cơ sở của chúng tôi tại Tp.HCM để khám mắt cho các em học sinh và thành viên Làng May Mắn.

Tuy chỉ ở Làng May Mắn trong một khoảng thời gian ngắn, bốn bạn đã tham gia vào rất nhiều hoạt động. Ali miêu tả thời gian biểu trong ngày của họ như sau: “Vào buổi sáng, chúng tôi có các bài tập bơi với các em ở lớp mầm non. Buổi chiều, chúng tôi kiểm tra thị lực cho các em học sinh và sinh hoạt cùng các em. Mỗi ngày chúng tôi vào một trong các lớp học, tổ chức các hoạt động như làm máy bay giấy, nhảy múa và chơi các trò vui nhộn khác”.

Đối với các thành viên Nhà May Mắn, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng. Một vài người coi đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới khi được khám mắt bằng việc nhìn vào bảng kiểm tra thị lực. Các bạn tình nguyện viên thực hiện các bài kiểm tra thị lực tầm xa cho các em học sinh và các bài kiểm tra thị lực ở cự ly gần cho người lớn tuổi hơn. Tổng cộng, hơn 100 thành viên được khám mắt và hơn 30 người có vấn đề về mắt được tặng kính do tổ chức First Sight quyên góp. Tuy vậy, một vài thành viên không được tặng kính do có những vấn đề phức tạp hơn.

Tất cả các bạn tình nguyện đều rất vui. Theo Tolison, đôi khi việc giao tiếp có gặp khó khăn, việc trao đổi bằng phần mềm dịch trên điện thoạt không hiệu quả. “Các em nhỏ thường cười lớn sau khi nghe câu dịch ngớ ngẩn từ điện thoại. Do vậy, chúng tôi đã không thể làm được gì nhiều nếu không có sự trợ giúp.” Thực vậy, nhờ có Toàn, một thành viên Nhà may Mắn, thông dịch mà mọi việc có thể dễ dàng hơn nhiều. Mặt khác, trong cái khó ló cái khôn, Matt nói: “Những buổi khám mắt trở thành dịp để chúng tôi có thể học thêm một vài từ tiếng Việt như ‘tốt hơn’, ‘tệ hơn’ và các con số.” Rốt cuộc thì việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể cũng đã giúp ích rất nhiều trong việc xóa bỏ rào cản ngôn ngữ và văn hóa.

Matt nói thêm rằng khi làm công việc bác sĩ, anh muốn có được sự cảm nhận sâu sắc về văn hóa mỗi nước để áp dụng các phương pháp trị liệu phù hợp cho bệnh nhân đến từ các nền văn hóa khác nhau, cũng như để biết cách ứng xử với tất cả mọi người và có thể hướng dẫn các bệnh nhân. Được hòa mình vào một cộng đồng khác biệt là động lực giúp Allison trải qua một quảng đường bay dài từ Mỹ đến các nước Đông Nam Á. Cô nói: “Trong trường, chúng tôi được học nhiều về Tây y và dùng Tây y để chữa bệnh. Tuy nhiên, trường không dạy về những phương pháp chữa bệnh khác mà những người khác có thể tin tưởng.”

Trên chuyến đi này, bốn tình nguyện viên muốn khám phá những phương pháp chữa bệnh khác nhau giữa các nước thì đây lạ là một trải nghiệm quý báu để họ nhận ra rằng: “Chúng ta giống nhau nhiều hơn là chúng ta vẫn nghĩ”.

Cuối cùng, bốn bạn muốn nhắn gửi đến các bạn tình nguyện viên tương lai rằng hãy trở nên hòa đồng, sẵn sàng thay đổi và luôn nói kết với mọi người. Nhà May Mắn và các thành viên vô cùng cảm kích sự giúp đỡ của của các bạn. Cám ơn các bạn rất nhiều!

Dịch: Hải