# # # # # # # #

Nếu tình yêu là bệnh truyền nhiễm, hãy để nó lây lan…

TTO – Một hành trình thiện nguyện kỳ diệu kéo dài đã 25 năm tại Việt Nam do cô gái người Thụy Sĩ thực hiện vừa được thuật lại trong quyển sách Nhà May Mắn – một tương lai dành cho những người thiếu may mắn.

Chị Tim (giữa) tặng sách cho cô Kim Cúc - người cộng sự từ những ngày đầu thành lập Nhà May Mắn - Ảnh: L.Điền

Chị Tim (giữa) tặng sách cho cô Kim Cúc – người cộng sự từ những ngày đầu thành lập Nhà May Mắn – Ảnh: L.Điền

“Với ý chí sắt đá và tình thương mênh mông, Tim muốn thông qua quyển sách này, nhân rộng lên tình thương giữa người với người mà cô dùng hình tượng là “nếu tình yêu là căn bệnh truyền nhiễm, hãy để nó lây sang trái tim của hàng triệu độc giả”.

Sách vừa được ra mắt tại NXB Trẻ, TP.HCM sáng 16-8.

Tác giả sách là Hoàng Nữ Ngọc Tim – tên tiếng Việt của Aline Rebeaud, cô gái từ Thụy Sĩ đến Việt Nam vào đầu năm 1993 và đã không ngờ mình gắn bó với mảnh đất này suốt 25 năm qua với bao cảnh đời bất hạnh.

Từ cuộc gặp với một em bé bụi đời

Câu chuyện cuộc đời của Tim có “mùi” định mệnh từ năm mười tuổi, khi mẹ dẫn cô đến thư viện và hai mẹ con bị lạc, sau đó mẹ gặp lại cô ở khu vực sách dành cho người lớn, ôm trong tay quyển sách ảnh trắng đen, “đó là những hình ảnh về Việt Nam năm 1951.

Mẹ tôi rất ngạc nhiên, sao con gái mình lại quan tâm đến một nơi xa xôi như vậy?”.

Đến năm mười sáu tuổi, cô gái ấy quen và yêu một người đàn ông lớn tuổi hơn, người Thụy Sĩ gốc Việt, “anh kể về quê hương mình cho tôi nghe, cho tôi ăn những món ăn Việt Nam và cho tôi nghe nhạc của đất nước mang hình chữ S. Tôi rất thích thú và bắt đầu nghĩ, một ngày nào đó mình sẽ sang Việt Nam cho biết” cô tâm sự.

Thế rồi cái chuyến đi “cho biết” ấy diễn ra vào năm cô 20 tuổi, hành trình đường bộ kéo dài suốt một năm, đi qua Bắc Âu, Liên Xô, Mông Cổ và Trung Quốc bằng đủ loại phương tiện: xe lửa, xe tải, xe buýt, tàu thủy, ngựa và cả đôi chân của mình, cuối cùng cô đến Việt Nam.

Nhưng “dấu hiệu” định mệnh rõ ràng hơn khi đến Việt Nam, một cuộc gặp bất ngờ với một em bé bụi đời bị bỏ rơi gần chợ Bến Thành vào đầu năm 1993 đã khiến Aline Rebeaud – cô gái tuổi hai mươi – quyết định gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất này suốt 25 năm qua.

Từ những tháng ngày chạy vạy để cứu những bé bụi đời hay trẻ bị tâm thần, Aline đã được những người Việt Nam đặt cho tên Việt là Tim, và rồi cô xây dựng Nhà May Mắn – mô hình nuôi dạy trẻ khuyết tật và tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật lấy lại niềm tin, hy vọng trong cuộc sống và đóng góp cho đời tích cực nhất theo cách của mình.”

Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: L.Điền

Sách do NXB Trẻ ấn hành – Ảnh: L.Điền

“Cuộc đời vẫn còn nhiều người tốt lắm”

Đó là hành trình thiên nan vạn nan, khi Tim phải đối diện với vô vàn khó khăn phức tạp không chỉ từ những phiền nhiễu của hành chính, nghi kỵ của chính quyền, mà còn cả sự nhẫn tâm của người đời.

Tim từng bị lừa lấy mất nhà, từng bị theo dõi và vu oan…

Thế nhưng, tại buổi giao lưu ra mắt sách, khi MC Quý Bình hỏi rằng sau tất cả những sự cố không may ấy, Tim có mất niềm tin, có sút giảm ý chí không, chị đã trả lời ngay rằng không, rằng cuộc đời vẫn còn nhiều người tốt lắm, và người xấu hay mặt xấu trong một con người cũng ít thôi.

Đến nay, Tim đã có 3 cơ sở ở TPHCM là Nhà May Mắn, Trung Tâm Chắp Cánh, và Làng May Mắn (địa chỉ: 19A đường Số 1A, Khu phố 9, Phường Bình Hưng Hòa A, Quận Bình Tân, TP.HCM), với gần 450 người.

“Tôi chú ý thiết kế nhà ở sao cho phù hợp với người đi xe lăn, vì những bạn trẻ ở Nhà May Mắn hầu hết là liệt 2 chi hoặc cả 4 chi” – chị Tim cho biết.

Tại đây, Tim tổ chức các phòng may mặc, phòng vi tính, phòng làm đồ mỹ nghệ từ tre, gỗ, lại có lớp dạy vẽ cho người khuyết tật, có lớp nhạc, có phòng chế tác đá quý, sân tập võ, xiếc và hồ bơi trị liệu…

“Buổi đầu, tôi vừa phải làm y tá, làm cô giáo, làm cả cha và mẹ nữa”, Tim nói về khởi đầu của Nhà May Mắn.

Theo thời gian, những người khuyết tật dần lớn lên, có những đôi yêu nhau, cưới nhau, và thế là Làng May Mắn ra đời từ nhu cầu đó. “Phải làm sao lo cho cả cuộc đời của họ” – Tim nói về những trăn trở thường trực của mình.

Em La Văn Thành (trái) và Mẹ Tim (giữa) tại buổi giao lưu ra mắt sách – Ảnh: L.Điền

Chờ một dự án ở Đắk Nông

Tại buổi giao lưu, ngoài Tim còn có một người con từ Nhà May Mắn là em La Văn Thành.

Đây cũng là một nhân vật trong quyển sách. Thành không biết mặt mẹ ruột bởi bà mất năm Thành một tuổi, cha Thành nghiện ma túy, Thành bị đẩy ra đường sống với nhiều người lạ và sau đó được một ông thầy gửi vào Nhà May Mắn.

Vậy là em được gặp Mẹ Tim, nhờ đó mà đến nay Thành học xong lớp 12 và chuẩn bị vào đại học ngành quản trị kinh doanh.

“Nhiều khi thấy mẹ khóc do gặp nhiều chuyện khó quá, em thương mẹ mà không biết làm gì, chỉ để bụng và mong rằng mình học xong sẽ giúp cho mẹ được nhiều hơn” – những chia sẻ của Thành cũng chính là điều Mẹ Tim trăn trở.

Bởi suốt 25 năm qua, nguồn kinh phí cho các hoạt động của Nhà May Mắn phần lớn đến từ việc Tim tổ chức công việc ở nước ngoài, nhưng cùng với tuổi đời ngày một lớn, khó khăn sẽ nhiều hơn, thật cần lắm những bàn tay chung sức từ trong nước.

Hội trường NXB Trẻ buổi ra mắt sách chật kín người, có những người từng cộng sự với Tim từ 20 năm nay đến chúc mừng quyển sách được ra đời – đánh dấu một chặng đường kỳ diệu của cô gái diệu kỳ.

Có người như cô Kim Cúc hồi cùng Tim dạy cắt may ở Nhà May Mắn vẫn còn trẻ, nay tóc đã hoa râm cũng đến chung vui và gửi tặng Tim một bài thơ xúc động. Có người kể lại những đoạn trường gian khổ mà Tim đã trải qua để đến được ngày nay.

Bây giờ trước mắt Tim là một dự án Nhà May Mắn ở Đắk Nông, đã được chính quyền cấp gần 3ha đất và cô đang tìm kiếm vốn để thực hiện.

Thay mặt NXB Trẻ – đơn vị được Tim gửi gắm việc ấn hành quyển sách, ông Nguyễn Minh Nhựt quyết định tại buổi giao lưu là sẽ chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc phát hành quyển sách cho Nhà May Mắn để ủng hộ công việc thiện nguyện của Tim.

Một bạn đọc ẩn danh có mặt tại buổi giao lưu cũng quyết định tặng 500 triệu đồng cho Nhà May Mắn.

LAM ĐIỀN

Trích Nguồn: tuoitre.vn